Trường THCS Đặng Tấn Triệu tham quan địa chỉ đỏ tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền thờ 10 Anh hùng Liệt Sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai tại thành phố Cà Mau và hoạt động trải nghiệm ở Làng rừng Cà Mau - Eco Dồ Dơi xã Trần Hợi huyện Trần Văn Thời.
Thực hiện kế hoạch só 193/KH-THCSĐTTr, ngày 15 tháng 12 năm 2024 về hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh đến địa chỉ đỏ năm học 2024-2025. Sáng ngày 18 tháng 01 năm 2025 Trường THCS Đặng Tấn Triệu tổ chức dâng hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và 10 Anh hùng khởi nghĩa Hòn Khoai và trải nghiệm Làng rừng Khu du lịch Cà Mau -Eco.
Tham gia hoạt động chỉ đạo cho chuyến đi về địa chỉ đỏ có thầy Cao Hoàng Liệt phó Bí thư chi bộ - Phó Hiệu trưởng, thầy Phùng Hoàng Nhiên Chủ tịch Công đoàn trường, thầy Lê Thuận Tổng phụ trách Đội cùng với hai giáo viên chủ nhiệm và 59 em học sinh lớp 9.
Trong không khí se lạnh của đất trời, nhưng tất cả các thành viên trong đoàn rất ấm lòng khi được thắp nén hương viếng Bác. Đoàn trường THCS Đặng Tấn Triệu dành một phút mật niệm, ghi nhớ công lao to lớn của Người trong sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay luôn ghi nhớ truyền thống cách mạng của Người, hứa sẽ học tập, lao động và phấn đấu trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.




Nghi thức Viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ban tổ chức cho các em chơi các trò chơi trả lời câu hỏi, trò chơi ô chữ có thưởng và xem phim tư liêu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh.






Các hoạt động trả lời câu hỏi, chơi trò chơi ô chữ và khen thưởng
Cũng trong dịp này, Đoàn đến một di tích lịch sử cấp tỉnh: Đền thờ 10 Anh hùng Khởi nghĩa Hòn Khoai.

Đoàn Trường THCS Đặng Tấn Triệu chụp ảnh lưu niệm tại đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai
Ngoài hoạt động dân hương đến 10 Anh hùng liệt sĩ các em học sinh còn được lắng nghe thuyết minh về lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai: Năm 1940 đất nước chúng ta đang chiến đấu chống thực dân Pháp. Xứ ủy Nam Kì xác định rõ thời cơ khởi nghĩa đã đến yêu cầu chúng ta sẵn sàng cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập gọi là Khởi nghĩa Nam Kì. Ở Cà Mau do Bí thư Trần Văn Thời trực tiếp lãnh đạo, tại căn cứ Tỉnh Uỷ Lung Lá Nhà Thể, nơi này các chú, các bác trong tổ chức Đảng đã nghị họp, đề ra đường lối chính sách cũng như phong trào cách mạng. Tháng 11 năm 1940 khi được lệnh của Xứ Uỷ Nam Kì khởi nghĩa, tại Lung Lá Nhà Thể ngày 27,28 tháng 11 năm 1940 đã diễn ra Hội nghị, tai đây đồng chí Trần Văn Thời phân công đồng Chí Phan Ngọc Hiển trực tiếp lãnh đạo vùng đất Cà Mau, cụ thể mở màng là Khởi nghĩa ở Hòn Khoai.
Hội nghị nhất trí chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa trong tỉnh. Vì ở đây có khả năng giành thắng lợi trọn vẹn, vừa tạo được khí thế ban đầu vừa có thêm vũ khí trang bị cho khởi nghĩa ở đất liền. Để kịp thời cùng với các tỉnh trong cuộc khởi nghĩa 05/12/1940, Tỉnh ủy đã triệu tập Hội nghị đại biểu của các chi bộ Năm Căn tại Lung Lá Nhà Thể để định ngày, giờ khởi nghĩa. Hội nghị nhất trí nửa đêm 13/12/1940, Hòn Khoai sẽ nổi dậy và sau khi giành thắng lợi, thu vũ khí, lực lượng khởi nghĩa Hòn Khoai về đất liền cùng với du kích Tân Hưng và quần chúng các xã lân cận đánh chiếm Năm Căn vào đêm 14/12, sau đó kéo về chi viện cho thị trấn Cà Mau. Ngày 12/12, Thường vụ Tỉnh ủy nhận được lệnh của Liên Tỉnh ủy đình khởi nghĩa đối với các tỉnh thuộc Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ thị cho các khu vực ngưng khởi nghĩa, phân tán lực lượng không được bạo động. Riêng Chi bộ ngoài đảo không có cách nào chuyển lệnh ngưng khởi nghĩa đến được. Trong khi đó, cũng đúng ngày 12/12, ông Phan Ngọc Hiển nhận được Nghị quyết của Tỉnh ủy do ông Bông Văn Dĩa, đảng viên của Chi bộ Tân Ân chuyển tới. Chi bộ Hòn Khoai cùng với ông Bông Văn Dĩa bàn kế hoạch thực hiện và quyết định giờ khởi nghĩa từ 20 đến 23 giờ đêm ngày 13/12. Lực lượng khởi nghĩa sẽ bắt sống tên Sếp đảo Ô-li-vi-ê, thu vũ khí về đất liền để kịp cùng với lưc lượng xung quanh phối hợp chiếm Năm Căn. Đúng như kế hoạch, 23 giờ 15 phút ngày 13/12/1940 cuộc nổi dậy ở Hòn Khoai nổ ra và giành được thắng lợi nhanh chóng trọn vẹn, trong trận chiến đấu đầu tiên này vẫn giữ được bí mật. Lực lượng khởi nghĩa về đến đất liền trong khí thế của đoàn quân chiến thắng, cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu “Mặt trận dân tộc phản đế muôn năm”. Do có lệnh đình khởi nghĩa ở đất liền, lực lượng khởi nghĩa Hòn Khoai đã chờ suốt đêm 14/12 vẫn không thấy hiệu lệnh tấn công và cũng không liên lạc được với chỉ huy khu vực I. Để phát huy thắng lợi, 9 giờ sáng ngày 15/12, Phan Ngọc Hiển đã hạ lệnh cho các đồng chí của ông tấn công vào nhà Quận Kiểm Lâm, tên Đốc Đông khiếp sợ giao nộp toàn bộ vũ khí cho quân khởi nghĩa. Trưa hôm đó, bọn Thực dân ở Cà Mau đưa hai tàu chở đầy lính tập, mã tà tiến vào Rạch Gốc. Trước lực lương đông đảo của địch, các chiến sĩ khởi nghĩa đã rút vào rừng bảo toàn lực lượng. Lực lượng tại xã chờ theo dõi tình hình và hướng dẫn đồng bào sơ tán chống khủng bố của địch. Biết lực lượng của ta yếu, địch càng ra sức truy quét quyết liệt. Địch bám theo ráo riết sau 04 ngày đêm, đến ngày 22/12 chúng đã bắt được các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai tại bãi Khai Long. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai nổ ra trong bối cảnh lịch sử cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vừa chấm dứt, địch đang điên cuồng chống phá. Bọn Thực dân cho đây là sự thách thức đối với chúng, vì vậy chúng đã tàn sát một cách man rợ. Ngày 12/07/1941, chúng xử bắn 08 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai: Phan Ngọc Hiển, Đỗ Văn Sến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Cự, Đỗ Văn Biên, Nguyễn Văn Cẩn, Ngô Kinh Luân, Nguyễn Văn Bỉnh và 02 cán bộ của Đảng ta là Quách Văn Phẩm (Thường vụ Tỉnh ủy) và Lê Văn Khuyên và 10 đồng chí khác bị chết trong ngục tù Côn Đảo, hàng chục chiến sĩ khác bị giam cầm. Tinh thần Cách mạng của các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai sống mãi trong lòng nhân dân Cà Mau, biểu hiện tình cảm yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường bất khuất, quyết hy sinh vì độc lập tự do của nhân dân. Máu của khởi nghĩa Hòn Khoai, của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã tô thắm lá cờ đỏ sao vàng bất diệt của dân tộc ta, cổ vũ nhân dân ta tiến lên trên con đường giải phóng dân tộc, đồng thời để lại bài học quý giá cho cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi.


Các em lắng nghe thuyết minh về Khởi nghĩa Hòn Khoai
Qua đó các em hiểu rõ lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai, từ đó các em biết trân trọng giá trị lịch sử, sự đấu tranh anh dũng của các anh hùng chiến sĩ cách mạng, đổ máu xương, hy sinh cả tính mạng để bảo vệ mảnh đất thân yêu. Giáo dục cho các em truyền thống cách mạng sáng ngời.
Buổi sáng các em được đến hai địa điểm Phủ thờ Bác và Đền thờ 10 Anh hùng Khởi nghĩa Hòn Khoai, buổi chiều các em được về vùng căn cứ, đến với khu du lịch sinh thái cộng đồng Làng rừng Cà Mau- Eco cách thành phố Cà Mau 22km, tọa lạc tại ấp Dồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Khu du lịch có diện tích 6ha với thảm thực vật rừng tràm bao quanh. Các em đến đây được hòa mình cùng với thiên nhiên để tận hưởng không khí thoáng mát, trong lành với mùi hương thơm thoan thoảng của hoa tràm.
Các em được tham quan nhà 3 gian nam bộ xưa, được nghe hướng dẫn viên thuyết minh về nhà ba giang, thể hiện rõ phong tục tấp quán rõ nét: Người miền Tây có nét rất hay đó là “nhìn mặt đặt tên”, nhà ba gian nhìn vào kết cấu của ngôi nhà nên gọi là nhà ba gian. Đi từ ngoài vào trong kết cấu ba phần, những gì lớn quan trọng thường bắt đầu gọi từ đầu tiên là cái, như cột cái, cái đũa, cái chén, cái chiếc thuyền…Cái tượng trưng sinh sôi nảy nở, sau này còn phát triển hơn nữa. Tổng thể ngôi nhà có ba phần, ở giữa là phần trung tâm, được xem là trang nghiêm thường thờ ông bà qua cố. Gian bên phải có bộ ván hoặc ly quăn dùng đãi cơm khi có khách. Bên trái bày trí bày trí bộ ghế, chén ly, nhìn vào thấy khả năng tài chính. Có ti vi trắng đen radio ngày xưa nhà cũng giả mới có. Phía sau có phòng ngủ và chổ nấu ăn, phương tiện đi lại là xuồng máy đuôi tôm( Máy Kohle). Ngôi nhà rất thoáng mát.




Bày trí ngôi nhà ba gian Nam Bộ xưa
Sau khi tham quan ngôi nhà ba gian nam bộ xưa, đoàn tiếp tục tham quan làng rừng. “Làng rừng” ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Làng rừng Vồ Dơi hiện đang nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Vào khoảng thời gian năm 1958 - 1960, tại khu vực Đất Mũi dần hình thành một mô hình chiến tranh đặc biệt và Làng rừng Vồ Dơi chính là hình mẫu của "làng rừng" - nơi tạo ra nhiều khoảnh khắc lịch sử. Làng rừng Vồ Dơi ngày nay nằm trong quần thể rừng U Minh, được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vô cùng quý giá. Mỗi đầu làng rừng có cây mỏ, cử người đứng canh lối ra vào, người trong cách mấy trăm mét rõ tiếp khi đó lực lượng bên trong rút quân. Trong làng rừng có phục dựng hình ảnh lớp học bình dân học vụ, âm nhạc rất quan trọng khích lệ tinh thần chiến đấu của người dân, âm nhạc kết nối nâng cao sĩ khí của quân dân hơn. Những căn chòi đơn sơ, mộc mạc lớp bằng võ cây chàm, lót sàn bằng cây tràm…


Làng rừng Cà Mau
Trong chiến đấu lò rèn để tạo dao răm mã tấu, nguồn sắt hạn chế. Sắt được xả từ những cây phản, từ những chiếc tàu địch mà chúng ta bắt được xả ra lấy nguồn sắt rèn vũ khí chiến đấu. Chính vì vậy trong giai đoạn đó thì lò rèn được gọi là xưởng quân khí. Anh hùng Bông Văn Dĩa còn gọi là chú Ba Lò Rèn là người con Cà Mau có nhiều sáng kiến chế tạo nhiều vũ khí chiến đấu. Trong y tế thời kì này rất khó khăn, có những kháng sinh cơ bản, ngoài ra sử dụng thảo dược, cây cỏ thuốc nam để điều trị. Sử dụng mật ong để điều trị, sát trùng…Có nhiều khẩu hiệu trong chiến đấu, những câu thơ kêu gọi binh sĩ:
“ Súng Mỹ anh cặp bên hông,
Bắn ai, anh hỏi lại lòng anh coi!”
“ Anh theo giặc Mỹ đánh thuê
Để bơm Mỹ dội làng làng quê anh tơi bời!”
“ Hầm chông chống Mỹ- Binh sĩ đừng đi”.
“ Cái gì bạo lực và phi nghĩa,
Là trái lòng dân, ngược ý trời.
Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ,
Không sao thắng nổi trái tim người”.
( Thơ của Truy Phong)
Sau khi tham quan nhà ba gian Nam Bộ xưa và Làng rừng, đoàn trải nghiệm với các trò chơi bổ ích, đắm mình với thiên nhiên.



Các em học sinh trải nghiệm cùng các trò chơi
Kết thúc hành trình với sự lắng đọng về địa chỉ đỏ ý nghĩa, sự trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên của các em học sinh về vùng đất làng rừng Vồ Dơi . Qua chuyến đi giúp các em tạo sự đoàn kết, có thêm nhiều kĩ năng trong cuộc sống, đặc biệt giáo dục được truyền thống cách mạng.