28/03/2024
Trường THCS Đặng Tấn Triệu hoạt động Tìm về địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Ngày 24/3/2023, Trường THCS Đặng Tấn Triệu tổ chức chương trình “Tìm về địa chỉ đỏ” cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện, tham quan, tìm hiểu Khu Di tích Hải Yến- Bình Hưng. Hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024).
Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng thuộc ấp Thanh Đạm, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, nằm bên kênh Cái Đôi, cách thị trấn Cái Đôi Vàm khoảng 4 km.
Năm 1957, Mỹ - Diệm bố trí Nguyễn Lạc Hóa cùng 80 hộ dân theo đạo Thiên Chúa di cư đến hai bên kênh xáng Thọ May, xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước và thành lập xứ đạo Phú Mỹ. Sau đó, khu dinh điền Phú Mỹ được dời về ấp Thanh Đạm, xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, thành lập khu dinh điền Cái Cám. Cùng thời gian này, Nguyễn Lạc Hóa vận động và thu nhận 120 gia đình di cư người dân tộc thiểu số, những phần tử ác ôn trong lực lượng di cư cùng một số thanh niên trong xứ đạo, thành lập các trung đội địa phương, đồng thời xin cấp phát thiết bị, súng đạn phục vụ cho việc xây dựng biệt khu Hải Yến - Bình Hưng. Nguyễn Lạc Hóa đã kích động, dung dưỡng cho bọn này tự do bắn người, hãm hiếp, chặt đầu, mổ bụng lấy mật, moi gan, gây biết bao đau thương, mất mát đối với nhân dân và chiến sĩ cách mạng ở Cà Mau.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bảo tàng tỉnh Cà Mau, tại Bình Hưng - Hải Yến đã thảm sát, giết hại 1.675 cán bộ và đồng bào.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia Di tích lịch sử Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng tại Quyết định số 30/2000/QĐ-BVHTT ngày 24/11/2000.

Ảnh: Các em học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện
Trong chương trình chuyến đi các em thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ, đồng bào đã bị sát hại nơi đây và được nghe lý lịch khoa học di tích, nghe nhân chứng sống kể về những tội ác của kẻ thù, những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Kết thúc chuyến đi thầy và trò trồng cây lưu niệm tại Di tích.

Ảnh: Thầy và trò trồng cây lưu niệm tại Di tích
Qua chuyến đi đã được bồi dưỡng thêm rất nhiều kiến thức về lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc, một dân tộc mạnh mẽ, đoàn kết gắn bó không chịu khuất phục trước bất kỳ một kẻ thù xâm lược nào. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần rèn luyện, giáo dục cho thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về truyền thống cách mạng của quê hương, từ đó bồi đắp cho tuổi trẻ tình yêu đất nước, lòng tự hào, tự tôn về dân tộc Việt Nam.
Tác giả: Hoàng Liệt